|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều 'ông lớn' ngành chăn nuôi lạc quan về giá heo hơi trong năm 2024

11:38 | 04/05/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng giá heo sẽ còn duy trì đà tăng trong năm nay, đạt tối đa 70.000 đồng/kg nhờ nguồn cung suy giảm và phải mất nhiều tháng mới có thể phục hồi.

Giá heo hơi phục hồi vì nguồn cung giảm

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi heo đã tổ chức xong đại hội đồng cổ đông 2024. Một điểm chung có thể thấy rõ rằng lãnh đạo của doanh nghiệp đang khá lạc quan về tình hình giá heo hơi hiện tại và triển vọng trong năm nay. 

Nhìn lại thị trường heo từ đầu năm đến nay có thể thấy, giá vẫn đang duy trì đà phục hồi. Theo đó, tính đến ngày 3/5, giá heo hơi bình quân cả nước khoảng 62.000 đồng tăng khoảng 24% so với hồi đầu năm. Giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng nguồn cung giảm chính là động lực tăng giá trong thời gian qua. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết đà tăng của giá heo hơi được hỗ trợ bởi nguồn cung giảm trong khi nhu cầu trong nước tăng lên. 

Cụ thể, trong giai đoạn trước Tết xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, gây sức ép lên giá xuống khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Do đó, đến giai đoạn sau Tết, nguồn cung heo (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm, mặc dù tổng đàn heo trên cả nước vẫn không đổi. 

“Như mọi năm, phải qua rằm tháng Giêng người dân mới bắt đầu xuất bán nhiều. Nhưng năm nay, lượng heo xuất bán đã tăng đột biến từ dịp trước Tết. Bình thường, heo nuôi mất khoảng 5 tháng, đạt 100 - 120 kg mới đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. Nhưng vì trước Tết người dân bán chạy dịch, heo chỉ khoảng 80 kg người dân đã bán. Do đó, giai đoạn sau Tết nguồn cung heo đủ tiêu chuẩn xuất bán suy giảm”, ông nói.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hôm 27/4, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco, cho biết thời gian qua, dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp. Đàn heo của nhiều công ty khác cũng đã thiệt hại. Cách đây 5 năm khi chưa có dịch bệnh, tổng đàn heo nái của cả nước khoảng 2,8 triệu con nhưng giờ chỉ còn khoảng 1,4 triệu con. 

“Sức cầu giảm nhưng nguồn cung cũng giảm nhiều. Điều này dẫn đến giá thịt heo của Việt Nam cao hơn so nhiều nước trong khu vực, chỉ sau Philippines hiện khoảng 110.000 đồng/kg. Để khắc phục nguồn cung thiếu hụt cũng cần một thời gian rất dài, tối thiểu 18 tháng”, ông So cho biết. 

Giá heo tăng cao trong khi giá thức ăn giảm giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi được cải thiện.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi quý I/2024 giảm 12 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (H.Mĩ tổng hợp)

Cơ quan này nhận định trong thời gian tới do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm, tuy nhiên khó quay trở lại mức giá thời điểm trước dịch COVID-19.

“Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi nhỏ lẻ và các doanh nghiệp chăn nuôi khép kín đều đã có lãi. Đặc biệt, với doanh nghiệp chăn nuôi khép kín, mức giá khoảng 50.000 đồng/kg là họ đã có lãi rồi”, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết.

Ông So chia sẻ chi phí nuôi heo của tập đoàn dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Trong đó, chi phí nuôi trong tháng 3,4 đạt ở mức chỉ 48.000 - 49.000 đồng/kg nhờ giá thức ăn giảm. 

Doanh thu thuần quý I của Dabaco đạt 3.252 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 72 tỷ, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty lỗ hơn 320 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong quý 10,7%, phục hồi từ mức - 3% của quý I năm ngoái. 

 

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam, cho biết trong hai năm 2022-2023, ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng và chiến tranh Nga – Ukraine làm cho ngũ cốc toàn cầu tăng giá đột biến, có mặt hàng tăng 40 - 50% trong khi giá vốn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chiếm xấp xỉ 70% giá thành heo. 

Cùng với đó, thị trường heo còn khó khăn khi tổng cung tăng còn tổng cầu giảm do thu nhập người giảm xuống, thêm vào đó là yếu tố dịch bệnh. Trong khi đó, nguyên vật liệu đầu vào quá cao làm cho giá thành sản xuất tiến đến 47.000 – 48.000 đồng/kg. Tuy nhiên, BAF được xem là có lợi thế hơn so với nhiều đối thủ bên ngoài, nhờ hệ sinh thái Tập đoàn Tân Long.

Vị này cho hay tình hình kinh doanh cũng đã cải thiện nhiều so với cùng kỳ khi ghi nhận doanh thu quý I tăng 58% lên 1.282 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phục hồi mạnh, đạt 118 tỷ đồng, gấp 29 lần cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt mức cao nhất kể từ quý II/2021.

 

Các công ty đang kỳ vọng gì về thị trường heo hơi năm 2024?

Nhìn chung các công ty chăn nuôi đang khá lạc quan về triển vọng thị trường heo hơi năm nay.

Ông Nguyễn Như So nhận định giá heo hơi trong nước thời gian tới sẽ còn tăng lên khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg ngay cả khi nhu cầu giảm vì tác động của kinh tế khó khăn. Do đó, tình hình kinh doanh quý II sẽ khả quan hơn nhờ giá thức ăn thấp, phấn đấu lợi nhuận đạt 250 tỷ đồng. 

Năm nay Dabaco đặt mục tiêu tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng, tăng 14% so với năm ngoái và lãi sau thuế gần 730 tỷ đồng, gấp 29 lần thực hiện năm 2023. Kế hoạch này không thay đổi so với kế hoạch Dabaco đưa ra hồi đầu năm. 

  Nguồn: BCTC của Dabaco - H.Mĩ tổng hợp.

Đối với BAF, công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 6%; lãi sau thuế gần 306 tỷ đồng, gấp 10 lần năm trước. Nếu hoàn thành, đây là kết quả cao thứ hai lịch sử hoạt động, sau năm 2021.

Theo ông Trương Sỹ Bá, chỉ tiêu lợi nhuận 2024 đặt ra dựa trên giá heo hơi bình quân 55.000 đồng/kg. Hiện tại giá bán đang 64.000 - 65.000 đồng/kg. Nếu mức giá này duy trì đến hết năm thì lợi nhuận còn cao hơn. Con số đề ra là khả thi nhất để hoàn thành kế hoạch. 

 Nguồn: BCTC của doanh nghiệp - H. Mĩ tổng hợp.

Ông nói thêm, giai đoạn từ quý IV/2023, giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới đang có xu hướng giảm. Nhưng để đến con heo cần có độ trễ, vận chuyển mất 1-2 tháng, trong khi heo 4-5 tháng đã xuất chuồng rồi, tức kéo dài 6-7 tháng. Do đó, điểm rơi tốt nhất cho BAF là vào quý II/2024, khi đầu vào thức ăn chăn nuôi tiệm cận trở lại so với trước xung đột Nga - Ukraine.

Bên cạnh đó, dịch bệnh trong 2023 làm mất nhiều đàn nái, có áp lực nguồn cung khan hiếm. Hiện giá heo hơi ngoài thị trường khoảng 63.000 - 64.000 đồng/kg và đang tiếp tục tăng. Như vậy, từ quý II, quý III BaF bắt đầu có lợi thế nhờ giá đầu vào giảm, giá heo hơi tăng, và chủ động về giống. Từ đó, kết quả 2024 được kỳ vọng khởi sắc.

Lãnh đạo của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm nay cho rằng giá heo năm nay sẽ tiếp tục phục hồi.

Theo đó, hiện nay giá heo hơi đang ở mức 64.000 đồng/kg và trong 3 tháng tới có khả năng tiếp tục tăng cao, dự kiến 68.000 - 70.000 đồng/kg, sau đó có khả năng đi xuống nhưng không không dưới mức 56.000 đồng/kg. Dự báo cả năm, giá heo hơi bình quân ở mức 60.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, với Vissan, giá heo hơi tăng lại là một điều bất lợi bởi đây là đầu vào cho các sản phẩm chế biến của công ty. 

H.Mĩ