|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Viettel, VNPT, VNG,… đua mở trung tâm dữ liệu

11:50 | 10/04/2024
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm Việt Nam cần ít nhất 5 trung tâm dữ liệu loại vừa mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Sáng 10/4, trung tâm dữ liệu của Viettel tại Hoà Lạc đi vào hoạt động. Hiện tại, đây là trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với quy mô 21.000 m2 diện tích mặt sàn, 30 MW công suất tối đa và 2.400 tủ rack (tủ lắp đặt server).

Trung tâm được thiết kế để triển khai đáp ứng yêu cầu tính toán hiệu năng cao và xử lý trí tuệ nhân tạo (AI). Viettel cho biết trung tâm đáp ứng yêu cầu cao nhất về an toàn thông tin với 5 lớp bảo vệ vật lý - mức cao nhất hiện nay.

Trung tâm dữ liệu thứ ba của Viettel tại Hoà Lạc. (Ảnh: Viettel IDC).

Tại trung tâm dữ liệu này có thể kết nối với tất cả các nước và 5 tuyến cáp quang biển, với 5 hướng khác nhau nên luôn đảm bảo dự phòng. Toàn bộ việc vận hành của trung tâm dữ liệu đều được giám sát và hỗ trợ 24/7 từ xa.

Trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc của Viettel lớn gấp hai lần trung tâm dữ liệu lớn nhất đang được khai thác tại Việt Nam và là trung tâm dữ liệu thứ ba của tập đoàn viễn thông quân đội.

Vị trí trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam trước đó thuộc về VNPT cũng được đặt tại Hoà Lạc. Tháng 10 năm ngoái, trung tâm dữ liệu VNPT IDC Hòa Lạc đi vào hoạt động với diện tích 23.000 m2 và 2.000 tủ rack. Đây là trung tâm dữ liệu thứ 8 của VNPT.

Cũng trong năm ngoái, VNG đưa vào khai thác trung tâm dữ liệu thứ hai có quy mô 7.800 m2, diện tích sàn sử dụng 12.400 m2. VNG Data Center cung cấp 410 tủ rack, sau đó sẽ mở rộng lên đến 1.600 tủ rack.

Tháng 3 cùng năm, TP HCM cấp giấy phép cho liên danh công ty Phân phối công nghệ Quang Dũng (QD TEK) và NTT Global Data Centers (GDC) để xây dựng và vận hành dự án Trung tâm Dữ liệu TP HCM, một cơ sở công nghệ cao có tổng vốn đầu tư 56 triệu USD.

Đến tháng 6, Gaw Capital Partners đã phát triển xong trung tâm dữ liệu chuẩn cấp 3, tại Khu Công nghệ cao TP HCM, dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Tháng 8, CMC khánh thành trung tâm dữ liệu được tiêu chuẩn hóa toàn cầu với số vốn hơn 1.500 tỷ đồng tại TP HCM. 

Có thể thấy các “ông lớn” công nghệ tại Việt Nam đang tập trung cho việc mở mới các trung tâm dữ liệu. Chiến lược này là có cơ sở khi các chuyên gia của Savills dự đoán tốc độ tăng trưởng của thị trường trung tâm dữ liệu sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 14,64%/năm cho đến năm 2026.

Chia sẻ tại sự kiện khai trương trung tâm dữ liệu VNPT IDC Hòa Lạc vào tháng 10 năm ngoái, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đầu tư các trung tâm dữ liệu là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Không đầu tư vào đây thì các nhà mạng viễn thông không có không gian tăng trưởng mới. Không đầu tư vào đây thì các nhà mạng viễn thông sẽ bị thay thế. 

Các tủ rack bên trong một trung tâm dữ liệu. (Ảnh: Viettel IDC).

“Cứ mỗi ba năm là dữ liệu thế giới lại tăng gấp đôi. Việt Nam thì tăng nhanh hơn. Việt Nam đang có 39 trung tâm dữ liệu loại vừa và nhỏ, tương đương với 15 trung tâm dữ liệu của VNPT tại Hoà Lạc. Như vậy, mỗi năm chúng ta phải khánh thành được ít nhất 5 trung tâm như thế này thì mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dữ liệu của Việt Nam”, ông Hùng nói.

Theo vị Bộ trưởng, Việt Nam chưa có một trung tâm dữ liệu lớn nào. Một trung tâm loại lớn thì ít nhất phải có 5.000 tủ racks.

Trong khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu trong tương lai cố gắng đưa Việt Nam trở thành Digital Hub của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo nhà phân tích từ Savills, Việt Nam có đủ những yếu tố để đầu tư vào các trung tâm dữ liệu lớn. Trong đó sự bùng nổ của nền kinh tế số đã làm thay đổi mạnh mẽ hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Xu hướng mua sắm trực tuyến đã giúp thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sau đại dịch. Điều này đã tạo cơ hội cho trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.

Tương tự, báo cáo của Cushman & Wakefield cũng chỉ ra với sự ổn định chính trị, sự vắng mặt của khủng bố và tỷ lệ thiên tai thấp, chẳng hạn như động đất, Việt Nam có các thuộc tính cần thiết để trở thành một thị trường trung tâm dữ liệu lớn. 

Tuy nhiên, phát triển trung tâm dữ liệu không phải là đường đua trải đầy hoa hồng. Theo Cushman & Wakefield, các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng khi trên thực tế, lượng khí thải carbon từ các trung tâm dữ liệu đóng góp tới 3,7% tổng lượng khí thải nhà kính, nhiều hơn cả ngành hàng không (2,4%), vận chuyển (2,3%) và trồng lúa (1,5%).

Tương tự, nghiên cứu của Schneider Electric chỉ ra rằng trong vài năm qua, việc giám sát, quản lý cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu ngày càng trải rộng và trở nên phức tạp. Dự báo, đến năm 2040, tổng mức tiêu thụ năng lượng của trung tâm dữ liệu sẽ là 2.700 TWh.

Đức Huy