|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Chỉ có thúc đẩy tổng cầu mới đưa nền kinh tế trở lại mức tăng trưởng cao, bền vững

15:44 | 17/04/2024
Chia sẻ
GS TS. Tô Trung Thành nhìn nhận việc thúc đẩy tổng cầu là chìa khoá để thúc đẩy nền kinh tế quay trở lại mức tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới.

Sáng 17/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2023 và Triển vọng năm 2024", đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 với chủ đề: “Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”.

Tóm tắt báo cáo “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023”, GS TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 2023 sự suy giảm tổng cầu khiến tăng trưởng của Việt Nam khó khăn nhất trong 10 năm vừa qua, trừ hai năm chịu tác động của dịch COVID-19.

"Việc thúc đẩy tổng cầu là chìa khoá để thúc đẩy nền kinh tế quay trở lại mức tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới", ông Thành nói.

Mức tăng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2023. (Nguồn: Kinh tế Việt Nam thường niên 2023).

Đánh giá về các thành tố của tổng cầu, ông Thành, cho biết các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa.

Riêng với đầu tư, mức độ lan toả của đầu tư FDI đến giá trị sản xuất tăng nhưng mức độ lan toả đến giá trị gia tăng lại giảm đáng kể. Điều này phản ánh FDI đang là kênh dẫn vốn quan trọng.

Khu vực nhà nước lan toả đến cả giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đều giảm phản ánh việc sử dụng vốn kém hiệu quả còn đầu tư khu vực tư nhân có mức độ lan toả đến giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đều cao phản ánh tầm quan trọng của khu vực này với nền kinh tế và cần phải đặt trọng tâm hỗ trợ của chính sách.

Xuất khẩu có sự lan toả đến giá trị sản xuất và nhập khẩu đều tăng rất mạnh nhưng mức độ lan toả đến giá trị gia tăng lại sụt giảm phản ánh Việt Nam vẫn tập trung vào xuất khẩu thô hay gia công chứ chưa có những sản phẩm hàm lượng giá trị gia tăng cao.

GS TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NEU).

Ông Thành nhấn mạnh hai vấn đề. Thứ nhất, khi thúc đẩy các thành tố của tổng cầu đều gây gia tăng nhập siêu. Mức độ gia tăng nhập siêu của nền kinh tế đặc biệt là FDI rất mạnh. Thứ hai là, khu vực đầu tư tư nhân mang lại giá trị sản xuất, giá trị gia tăng cao nhất lại là khu vực khó khăn nhất. Điều này dẫn đến hiệu quả của nền kinh tế giảm sút.

Bên cạnh đó, tiêu dùng Nhà nước đối với GDP không đáng kể chỉ chiếm 9%, thấp hơn trung bình các nước thu nhập thấp ở khoảng 15%. Do đó, khi tiêu dùng gặp khó khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Nhận định về triển vọng năm 2024, theo Giáo sư – Tiến sĩ Tô Trung Thành, tác động của các yếu tố bất lợi, bấp bênh từ tình hình kinh tế thế giới khiến những dự báo về tăng trưởng Việt Nam trong năm 2024 đều được điều chỉnh giảm so với năm 2023.

Dự báo tăng trưởng kinh tế do các tổ chức quốc tế đưa ra ở mức 5,5-6,0%, thấp hơn so với kế hoạch 6,0-6,5% do Quốc hội đề ra. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới. 

 Cơ cấu vốn đầu tư trong tổng vốn toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2023. (Nguồn: Kinh tế Việt Nam thường niên 2023).

Từ thực tế đó, khuyến nghị chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách thúc đẩy tổng cầu. Đầu tư tư nhân về cơ bản khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp nên việc gia tăng giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt.

Đặt đúng khu vực tư nhân là động lực quan trọng bằng việc: Tạo môi trường đầu tư thuận lợi; Hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tín dụng, công nghệ mới và giảm thiểu tối đa thuế và các loại phí.

Theo ông Thành, Chính phủ cần kích thích tiêu dùng tư nhân bằng việc ổn định vĩ mô, điều chỉnh thuế thu nhập, tăng tính lành mạnh các thị trường tài sản và đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng khu vực FDI để đẩy mạnh xuất khẩu cũng là giải pháp cần chú trọng.

Tuy nhiên, nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công, cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất. Chính sách tiền tệ cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc cải thiện thủ tục để tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với khu vực đầu tư tư nhân, chuyên gia khuyến nghị. 

Về tiêu dùng cần gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm ở cả khu vực chính thức và phi chính thức; Nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thu nhập cá nhân; Giảm VAT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu và tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương nhằm kích thích tiêu dùng, góp phần tăng tổng cầu.

Theo ông Thành, nếu chúng ta quản lý tốt được tổng cầu thì vẫn có thể đạt mức tăng trưởng cao mà không gây ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Hạ An

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.