|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xe điện giá rẻ của Trung Quốc đe doạ niềm tự hào của châu Âu, có nguy cơ châm ngòi một thương chiến mới

17:00 | 29/09/2023
Chia sẻ
EU vừa mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc. Nếu khối này thực sự áp thuế quan trừng phạt lên xe điện Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ tung ra các biện pháp trả đũa thương mại khó lường.

Châu Âu muốn bảo vệ ngành công nghiệp ô tô, lĩnh vực đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế khu vực. (Ảnh minh hoạ: Adobe Stock). 

Niềm tự hào của châu Âu

Ngành công nghiệp ô tô là viên ngọc quý của nền kinh tế châu Âu. Trong suốt nhiều thập kỷ, ngành này là yếu tố thúc đẩy quan trọng cho cho tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của các nước trong khu vực.

Năm ngoái, lĩnh vực chế tạo ô tô đóng góp gần 7% vào GDP của châu Âu, trực tiếp cũng như gián tiếp cung cấp việc làm cho gần 14 triệu lao động.

Ô tô cũng mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Những khẩu hiệu như “Sản xuất tại Đức” hay “Thiết kế kiểu Italy” đã trở thành đại diện cho sự đổi mới và tay nghề chất lượng cao của châu Âu. 

McKinsey sử dụng dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) để đại diện cho châu Âu.

Các khoản đầu tư và loạt thành tựu mà ngành công nghiệp ô tô đạt được trong hàng chục năm qua đã giúp nâng cao hình ảnh quốc tế của châu Âu. Kỹ thuật của Đức được công chúng nhiều nơi khen ngợi.

Nghiên cứu của Mckinsey cho thấy nhiều nhà sản xuất xe hơi châu Âu được coi là các công ty đi đầu về tính bền vững, bởi họ đã đặt ra một số mục tiêu đầy tham vọng xoay quanh xe chạy năng lượng sạch và an toàn.

Những nỗ lực nói trên là một trong các yếu tố giúp tổng giá trị thương hiệu của 10 công ty ô tô lớn nhất châu Âu ước đạt 200 tỷ euro. Và 5 trong số 10 thương hiệu ô tô giá trị nhất trên thế giới là của châu Âu.

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Vị thế của châu Âu đang bị đe dọa trong bối cảnh ngành ô tô đối mặt với những thay đổi lớn, ví dụ như xu hướng chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang hệ thống truyền động điện khí hóa. Sự khác biệt giữa các hãng xe giờ đây được định đoạt bởi công nghệ và phần mềm, thay vì phần cứng như truyền thống.

Những chuyển biến trên đã cho phép các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc tạo ra sự đột phá, giành lấy thị phần tại châu Âu và trên toàn thế giới.

Nhóm chuyên gia phân tích của HSBC cho biết các thương hiệu của Trung Quốc hiện chiếm khoảng một nửa số xe điện bán ra toàn cầu.

Theo công ty tư vấn Inovev, 8% xe điện mới được bán tại châu Âu từ đầu năm 2023 đến nay được sản xuất bởi các hãng xe Trung Quốc, tăng từ mức 6% năm 2022 và 4% năm 2021. Như vậy, thị phần của xe hơi Trung Quốc tại châu Âu đã tăng gấp đôi trong vòng hai năm.

 

Triển lãm ô tô Munich diễn ra hồi đầu tháng 9 đã khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu càng lo ngại về sức mạnh của các đối thủ Trung Quốc. Nhiều hãng xe Trung Quốc như BYD, Nio và Xpeng đã tham gia sự kiện này, giới thiệu các mẫu xe nhằm thu hút người tiêu dùng châu Âu và cạnh tranh với các thương hiệu truyền thống như Volkswagen, Renault và Stellantis.

Trong nửa đầu năm 2022, một chiếc xe điện bình dân ở Trung Quốc có giá chưa đến 32.000 euro (tương đương khoảng 35.000 USD), còn ở châu Âu là khoảng 56.000 euro, theo các nhà nghiên cứu tại Jato Dynamics.

Ông Patrick Koller, CEO nhà sản xuất linh kiện ô tô Forvia, cho biết doanh nghiệp Trung Quốc có thể sản xuất xe điện với giá rẻ nhờ có chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí lao động và mức chi tiêu vốn thấp hơn các đối thủ châu Âu. Trung Quốc cũng kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hầu hết các bộ phận quan trọng của xe điện, bao gồm cả pin.

Nhà phân tích ngành ô tô Ferdinand Dudenhoeffer cho biết Trung Quốc là "nhà vô địch thế giới" trong việc sản xuất pin, bộ phận có thể chiếm tới 40% chi phí của xe điện. 

 

Trong bối cảnh người tiêu dùng châu Âu đang tìm kiếm những mẫu xe điện giá rẻ, ông Koller dự đoán các hãng xe châu Âu sẽ không thể ngăn người tiêu dùng lựa chọn các mẫu xe Trung Quốc.  

Ông Hildegard Mueller, Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), thừa nhận: “Đức đang để mất lợi thế cạnh tranh của mình”. Ông nói thêm rằng triển lãm xe Munich cho thấy áp lực cạnh tranh lớn từ các hãng xe quốc tế.

Bình luận về nỗ lực thâm nhập thị trường châu Âu của Trung Quốc, ông Oliver Zipse, CEO BWM, cho hay: “Phân khúc xe phổ thông sẽ biến mất hoặc [vẫn còn] nhưng các nhà sản xuất châu Âu không còn thống trị thị trường nữa”.

Nguy cơ thương chiến Trung-Âu

EU đang triển khai một cuộc điều tra nhằm vào xe điện Trung Quốc. Mục tiêu là xác định xem liệu xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc có được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng từ chính phủ hay không.

Cuộc điều tra của EU có thể kéo dài 13 tháng và dẫn đến các loại thuế quan trừng phạt đối với xe điện Trung Quốc. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), thể hiện lập trường cứng rắn khác thường khi thông báo về cuộc điều tra. Bà tuyên bố rằng thị trường toàn cầu đang ngập trong ô tô giá rẻ của Trung Quốc và khối này sẽ đáp trả.

Bà phát biểu: “Giá xe điện Trung Quốc được giữ ở mức thấp một cách giả tạo nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước. Điều này đang bóp méo thị trường của chúng ta”.

Cuộc điều tra xe điện còn khác thường ở chỗ nó được đưa ra bởi chính EC, chứ không phải là do khiếu nại của giới doanh nghiệp trong ngành.

Sau thông báo của bà von der Leyen, ban đầu giá cổ phiếu ô tô châu Âu bật tăng. Nhưng sau đó, giá lại đi xuống khi nhà đầu tư lo ngại về phản ứng của Trung Quốc. Dựa trên kết quả thu được, cuộc điều tra có thể sẽ khiến Trung Quốc và châu Âu tung ra các biện pháp bảo hộ để trả đũa nhau.

EU sẽ phải rất cẩn thận với lựa chọn áp thuế trừng phạt. Các nhà sản xuất ô tô Đức có thể sẽ khốn đốn nếu Trung Quốc đáp trả bằng các loại thuế quan mới áp dụng với Mercedes, BMW và Volkswagen. Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhì của cả ba hãng xe Đức này, theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Năng lượng.

Nhà vận động hành lang của một thương hiệu lớn tại Đức nói với tờ Politico: “Tôi sợ rằng EC đang mạo hiểm phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc trong một lĩnh vực rất nguy hiểm”.

Các nhà sản xuất châu Âu đã và đang cố gắng giảm chi phí sản xuất xe điện thông qua các khoản đầu tư và hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó, họ có nguy cơ chịu thiệt hại lớn nếu thương chiến xảy ra.

Volkswagen muốn cắt giảm 50% chi phí pin thông qua quan hệ đối tác tại Trung Quốc. Hồi đầu năm, Volkswagen tuyên bố đang đầu tư 1 tỷ euro (khoảng 1,1 tỷ USD) để xây dựng một trung tâm nghiên cứu ở Hợp Phì, Trung Quốc. Công ty cũng đã mua số cổ phần trị giá 700 triệu USD của hãng xe điện Trung Quốc Xpeng.

Khiến Trung Quốc phật ý sẽ là canh bạc lớn đối với EU trong lúc khối này đang nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao nhất trong hàng thập kỷ. Thêm nữa, các đòn thuế quan của Trung Quốc sẽ rất khó đoán và có thể không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ô tô.

Ông Michala Marcussen, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Societe Generale, đặt câu hỏi rằng nếu châu Âu thực sự giáng đòn lên xe điện Trung Quốc, “liệu Bắc Kinh có thực sự trả đũa lên những hàng hóa tương tự hay không? Xung đột giữa hai bên có nguy cơ trở nên phức tạp hơn nhiều”.

Thương mại song phương giữa châu Âu và Trung Quốc đạt giá trị khoảng 900 tỷ USD mỗi năm. Theo một số chuyên gia, châu Âu là bên yếu thế hơn nếu xung đột về xe điện biến thành chiến tranh thương mại toàn diện.

Theo tính toán của Allianz Trade, nếu EU tăng thuế quan thêm 1 điểm %, tổng thiệt hại đối với Trung Quốc sẽ vào khoảng 8,4 tỷ USD. Con số này chỉ chiếm 0,2% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc nhưng lại tương đương với 1,5% kim ngạch nhập khẩu của EU.

Bà Ana Boata, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Allianz Trade, cảnh báo rằng trong bối cảnh lạm phát vẫn còn cao và Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn đang tăng lãi suất, EU có thể rơi vào suy thoái nếu theo đuổi chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

 

Giang